Tây Bắc đã luôn được biết đến là vùng đất với cảnh đẹp thiên nhiên hùng vĩ và những thửa ruộng bậc thang xinh đẹp. Ngoài ra, các dân tộc thiểu số ở đây cũng có những món ăn truyền thống được gọi là đặc sản vùng cao mà có thể sẽ khá kì lạ với hầu hết du khách miền xuôi. Nếu có cơ hội đến với Tây Bắc, đừng nên bỏ lỡ 1 số món ăn độc đáo dưới đây nhé.
1. Thắng cố
Thắng cố là món ăn truyền thống của người H’mông. Món ăn này bắt nguồn từ tỉnh Vân Nam, Trung Quốc. Sau khi du nhập về Việt Nam, món ăn đã được biến tấu lại để phù hợp hơn với khẩu vị của đồng bào cao nguyên.
Nguyên liệu chính được sử dụng để tạo ra món ăn là nội tạng ngựa như: tim, lòng, phèo, gan,… Cùng với đó là các loại gia vị đặc trưng của núi rừng Tây Bắc như: cây thắng cố, chanh, sả, thảo quả, quế chi,… Thắng cố được tìm thấy nhiều nhất là trong các lễ hội hay các phiên chợ đông người. Hầu như mỗi lần nấu, người ta đều nấu một lượng lớn thức ăn trong một chiếc chảo to với đầy đủ nguyên liệu được thêm vào. Tuy món ăn này nhìn có vẻ hơi đáng sợ với một loạt nội tạng ngựa được nấu lên cùng với nhau và rất kén người ăn, du khách nên thử ít nhất 1 lần để biết được hương vị thật sự của Thắng Cố.
2. Da trâu thối
Tương tự như món đậu hũ thối của người Trung Quốc, chỉ từ cái tên món ăn có lẽ cũng đã khiến cho du khách phải rùng mình. Da trâu thối hay còn được người dân địa phương gọi là năng min. Đây là món ăn đặc trưng của người Thái.
Da trâu sau khi được lóc ra khỏi thịt sẽ được để nguyên phần long, sau đó đem đi gói bằng lá chuối và ủ trong khoảng 2 ngày. Sau khi ủ xong, da trâu sẽ cực kì bốc mùi và đây có lẽ cũng là lí do cho tên gọi của món ăn đôc đáo này. Người dân sau đó mang da trâu đi rửa sạch, phần lông lúc này sẽ tự rụng hết. Vào mùa hè khi nhiệt độ lên cao hơn, thời gian ủ da trâu sẽ được rút ngắn lại và da trâu nhanh lên mùi hơn. Đối với các tháng mùa đông hay nhiệt độ thấp, người ta sẽ mất nhiều ngày hơn để da trâu được ủ kĩ sau đó mới có thể lấy ra chế biến.
Người đồng bào Thái thường sử dụng thịt trâu thối để nấu canh bon, hoa chuối hoặc đem nướng tùy sở thích của mỗi người. Với người bản địa, đây là một món đặc sản ngon được rất nhiều người yêu thích. Tuy nhiên với khách du lịch, đây là món ăn với tên gọi khá kinh dị nhưng nhiều người vẫn muốn thử qua.
3. Lá ngón xào tỏi
Lá ngón chắc chắn không còn xa lạ với hầu hết mọi người qua tác phẩm vợ chồng A Phủ. Tuy nhiên, không quá nhiều người biết ngoài loại lá có độc được nhắc đến trong tác phẩm văn học thì còn có loại lá ngón ăn được. Lá ăn được có hình dáng tròn hơn và ngắn hơn lá có độc, to bằng bàn tay. Loại lá ngón này được người đồng bào Thái sử dụng để chế biến món lá ngón xào tỏi. Đây là món ăn đặc sản của người Thái Trắng ở vùng Mường So, Lai Châu. Món ăn mang hương thơm đặc biệt, vị chan chat nhưng bùi bùi của lá ngón cùng với đó là chút vị ngọt thanh mát. Cũng vì chưa biết nhiều về loại lá ngón này, nhiều du khách khi đến với Tây Bắc và được giới thiệu món ăn này đều không dám ăn thử. Tuy nhiên, lá ngón xào tỏi này không có độc và được trồng trực tiếp trong nhà dân ở đây. Người ta đã rất sáng tạo để làm nên món ăn ngon nức tiếng vùng Tây Bắc này.
4. Cá nhảy (gỏi cá nhảy)
Đúng như tên gọi của món ăn, cá chép con được sử dụng làm thức ăn sẽ còn sống và nhảy tanh tách trong miệng người ăn. Những người không ăn được đồ sống chắc chắn sẽ muốn tránh xa món ăn này. Đây là đặc sản của người Thái ở Sơn La và vô cùng kén người ăn. Một điều hiển nhiên là nhiều người sẽ nghĩ cá sẽ có mùi tanh ngay cả khi đã được chiên hay nướng nếu không làm đúng cách, chứ chưa kể đến là ăn sống như món ăn này. Sự thật là món cá này lại không có mùi tanh mà mang hương thơm rất đặc biệt nhờ vào việc cá được nuôi trong ao hồ tự nhiên hay bắt ở suối nguồn, sau đó là rửa sạch bằng nước muối. Một khi đã vượt qua được rào cản về mùi hương, nhiều người cũng sẽ không thích cảm giác ghê rợn khi cá còn sống và động đậy ngay trong miệng mình. Tuy nhiên đây là món ăn ngon mà du khách không sợ ăn đồ sống nên thử. Cá được dùng làm gỏi kết hợp với 1 số nguyên liệu như hoa chuối, hành tỏi, ớt, cóc,… và các loại rau sống khác để ăn kèm tạo nên món đặc sản tuyệt vời.
5. Nòng nọc om măng
Đây có lẽ là món ăn lạ nhất và cũng đáng sợ nhất của vùng Tây Bắc. Chắc hẳn rất ít du khách từng nghe qua nòng nọc có thể ăn được thế nhưng người dân nơi đây lại biến chúng thành một món đặc sản.
Cũng giống như các loài sống dưới nước khác, nòng nọc sua khi được bắt về sẽ được làm sạch và lấy hết phần ruột ra, sau đó mới đem đi chế biến. Có nhiều cách để chế biến nòng nọc như nấu canh, xào sả ớt hay nướng nhưng phổ biến và nổi tiếng nhất vẫn là nòng nọc om măng. Người dân địa phương sẽ trộn nòng nọc đã được chế biến cùng với mè, hành, măng rừng và các loại gia vị khác rồi đem xào chín. Món ăn tuy là một thử thách với khách du lịch nhưng lại là 1 trong những món ngon của vùng rừng núi này.