Báu vật nằm giữa núi rừng Tây Nguyên này là một công trình kiến trúc tôn giáo đặc biệt với lịch sử hình thành hơn 1 trăm năm, kể từ lâu nhà thờ gỗ Chánh tòa Kon Tum đã trở thành 1 niềm tự hào bao đời nay của người dân Kon Tum.
Nhà thờ chánh tòa Kon Tum (hay Nhà thờ gỗ) là một nhà thờ Công giáo nằm tại số 13 đường Nguyễn Huệ, phường Thống Nhất, thành phố Kon Tum, tỉnh Kon Tum, Việt Nam. Hiện nhà thờ được xem là 1 trong những công trình đẹp nhất của thành phố này.
Nhà thờ ban đầu được cho xây dựng vào năm 1913 bởi Giuse Decrouille, 1 vị linh mục người Pháp, khi số lượng giáo dân tại địa phương đông dần. Đến năm 1918 thì nhà thờ chính thức hoàn thiện và được đưa vào sử dụng.
Tên gọi nhà thờ gỗ xuất phát từ việc nhà thờ được xây dựng chủ yếu bằng bằng gỗ cà chít (hay còn gọi là gỗ sến đỏ). Đây là 1 trong những loại gỗ tốt nhất vào thời bấy giờ và cũng là loại gỗ đặc trưng mà người dân Tây Nguyên thường sử dụng để xây dựng các công trình kiến trúc tôn giáo.
Về kiến trúc, nhà thờ được thiết kế theo kiến trúc Roman phối hợp với kiến trúc nhà sàn của dân tộc người Ba Na bản địa. Từ những đường nét họa tiết cho đến những điểm nhấn trên chất liệu khiến nhà thờ mặc dù được thiết kế theo kiểu Châu Âu cổ nhưng vẫn mang đậm những sắc thái văn hóa, tín ngưỡng của người Tây Nguyên.
Nhà thờ là một công trình khép kín bao gồm gồm: giáo đường, nhà tiếp khách, nhà trưng bày các sản phẩm dân tộc và tôn giáo, nhà rông. Ngoài ra còn có cô nhi viện, cơ sở may, dệt thổ cẩm, cơ sở mộc.
Trong khu vực hoa viên của nhà thờ có bức tượng Đức Mẹ hai tay nâng bế Chúa Hài Đồng được làm từ một thân gỗ nguyên sơ, tạc theo phong cách mộc mạc của các dân tộc Tây Nguyên. Ngoài ra, thánh giá và các tượng trang trí bên ngoài lẫn bên trong nhà thờ như các con chiên, tượng thánh được làm bằng gốc rễ cây rừng càng làm không gian mang đậm màu sắc Tây Nguyên.
Du khách có thể đến tham quan khám phá nhà thờ gỗ đặc biệt này vào bất cứ thời điểm nào trong năm. Thời gian đẹp nhất đến đây là vào khoảng thời gian sau từ tháng 1 đến tháng 3, khi vào mùa hoa lá đua nhau đâm chồi, nhà thờ sẽ nằm xen lẫn với những sắc hoa trắng hồng nở rộ. Còn nếu có dịp đến đây vào dịp lễ Giáng Sinh hay những dịp lễ lớn khác của đạo Công Giáo, du khách sẽ được chứng kiến hàng nghìn giáo dân từ các khu vực khác nhau của Tây Nguyên hội tụ về đây để tham gia dự lễ. Thời điểm này còn là lúc sẽ có khá nhiều các phiên họp chợ, bày bán đa dạng các sản phẩm thủ công do người dân địa phương sản xuất.
Dù đã trải qua bao nhiêu năm tháng lịch sử, đến nay nhà thờ gỗ vẫn vững chãi, không có quá nhiều hư hại nặng mặc cho mưa gió bão bùng . Là 1 công trình mang đậm những giá trị về tôn giáo lẫn văn hóa, lịch sử của vùng núi rừng Tây Nguyên, nhà thờ chắc chắn sẽ mang đến trải nghiệm thú vị cho những du khách có dịp đến đây.