Mũi Dinh Cậu - Nơi Lưu Giữ Dấu Ấn Trăm Năm Tuổi

Ngày đăng bài: 04/08/2023

 

Du lịch Phú Quốc sở hữu vô số những địa điểm tâm linh nổi tiếng, thu hút đông đảo du khách đến chiêm bái hàng năm. Trong đó, Mũi Dinh Cậu là một trong những cái tên không thể không nhắc đến. Sau đây, hãy cũng Vietourist khám phá những điều thú vị tại điểm đến này nhé!

1. Giới thiệu chung

“Cửa Dương có bãi cát vàng

Có nơi Dinh Cậu có nàng bồng con”

Dinh Cậu tọa lạc ở khu phố 2 thị trấn Dương Đông, trung tâm thành phố đảo Phú Quốc. Không biết từ bao giờ Dinh cậu đã trở thành một trong những biểu tượng của đảo Ngọc Phú Quốc. Nơi đó không chỉ biểu trưng cho tín ngưỡng dân gian của cư dân miền biển mà còn thể hiện khát vọng mưa thuận gió hòa, sóng yên biển lặng để vươn khơi bám biển.

Dinh là một trong những địa điểm du lịch tâm linh không chỉ của người dân đảo Phú Quốc mà là một địa điểm tâm linh bất kể những du khách nào lần đầu tới với đảo Phú Quốc đều ghé qua. Không chỉ bởi vẻ đẹp kỳ thú do thiên nhiên ban tặng mà còn vì sự huyền bí linh thiêng qua những truyền thuyết xa xưa nên đã khơi dậy sự tò mò yêu thích của du khách thập phương.

2. Lịch sử hình thành Dinh Cậu

Dinh Cậu ban đầu chỉ là ngôi miếu nhỏ được xây vào khoảng cuối thế kỷ thứ 17 đến năm 1937. Qua nhiều lần trùng tu, Dinh mới được rộng rãi và khang trang như bây giờ. Về nguồn gốc của Dinh cậu, có rất nhiều truyền thuyết khác nhau. Lưu truyền rằng khi chưa có cái tên Phú Quốc, toàn bộ vùng này được gọi là “Xích Thổ” có nghĩa là vùng đất có màu đỏ, dưới sự cai quản của Thủy Long Thần Nữ, người dân Phú Quốc còn gọi là Bà Chúa Đảo. Bà có người con mà bà rất mực yêu thương ,người hạ bạc quen gọi là Cậu. Tánh khí rất thất thường, vì cãi lời mẹ giải thoát Sấu tinh đang bị giam cầm nên cậu phải đời đời ngồi trên lưng Sấu tinh để canh giữ dù nó đã hóa đá. Thấy cảnh Cậu phải Dầm mưa dãi nắng nên dân làng dựng miếu ngay sau lưng chừng núi đá. Bà con quen gọi là Dinh cậu. Mỗi chuyến ra khơi đâu đến van vái Bà và Cậu phù hộ bình an thuận buồm xuôi gió.

Lại có một truyền thuyết khác qua lời kể một ngư dân sống ở Phú Quốc theo đó Dinh Cậu ngày xưa có tên là Long Vương Thần Miếu, chánh điện gọi là Thạch Sơn điện. Trăm năm trước, người dân nơi này sống bằng nghề đánh cá, ngư dân ra khơi gặp sóng dữ đã mãi mãi không trở về. Rồi một ngày nọ bỗng nổi lên một mũi đá ngay cửa biển cho là Điềm Linh Ứng nhân dân đã cất một ngôi miếu để cầu mong được thần linh che chở. Theo lời kể của ngư dân hồi những năm 1930, một ngư dân đi tàu cá bị cơn sóng lớn vỗ bể tàu, sắp chìm .Tưởng đã thiệt mạng ,ai ngờ một cơn sóng lớn cao hàng chục mét đẩy tàu lên cao rồi đưa vào bờ, cha ông cùng anh em thợ thuyền ai cũng tin rằng đó là sóng Long Vương cứu giúp ngư dân bị nạn trên biển khơi.

Thời nhà Nguyễn có ghi nhận một truyền thuyết cho rằng Cậu Tài cậu Quý là hai anh em ruột đều là con của Thánh Mẫu chúa ngọc nương nương, tức nữ thần Thiên Y A Na theo tín ngưỡng của người Chăm xưa. Cho rằng năm 1777, Nguyễn Ánh bị quân Tây Sơn truy đuổi có đến lánh nạn tại Hòn đảo Phú Quốc. Tại đây tàu của ông bị mắc cạn tại rặng đá ngầm ở một mũi đào. Trong nguy khốn, Nguyễn Ánh cầu khẩn Bà Chúa Ngọc phù hộ, ông hứa với Bà sau khi lấy lại được Vương Triều sẽ Phong Sắc Thượng Đẳng Linh Thần cho Bà. Sau khi khấn xong ,bỗng có một ngư phủ trên bờ trông thấy tàu mắc cạn, đã dùng dây rừng kéo tàu ra khỏi chỗ đó và đưa mọi người lên bờ an toàn. Sau khi lấy lại được vương triều, nhớ lời hứa với Bà ,Nguyễn Ánh đã sắc phong cho bà và cho xây dựng ngôi thờ tại Dương Đông, vì thế Dinh Cậu là nơi thờ cậu tài cậu Quý là đúng những người đồng ý với giả thuyết này.

3. Kiến trúc đặc trưng, đầy ấn tượng

Dinh Cậu nằm trên một ngọn núi đá to sát cạnh ngọn hải đăng ngay eo biển, nơi thuyền tàu thường xuyên qua lại. Người dân ở đây gọi nơi này là nơi đất Thánh linh thiêng, bởi Dinh được xây dựng trên một tảng đá giống hình con rùa - một trong Tứ Linh theo quan niệm của người Việt Nam. Vì vậy mà bên trong Dinh có ghi câu đối “Tọa tại thạch đầu quy danh hiển, chấn phong bình làng bảo lương dân” có nghĩa là dinh nằm trên tảng đá có hình đầu con rùa, hiển linh che chắn sóng dữ bảo vệ dân lành.

Dinh được xây dựng theo lối kiến trúc hình chữ Đinh, mặt Dinh hướng ra biển cách thị trấn Dương Đông khoảng vài trăm mét về hướng tây, phía trước dinh có bình phong và mô hình tàu cá ra khơi. Toàn bộ ngôi miếu được xây dựng theo kiến trúc tân tạo khá kiên cố nhưng vẫn mang nét kiến trúc đình chùa miền Bắc với mái ngói đỏ tươi ,cổng trụ có mái hiên cong cong. Nhìn trên nóc Dinh Cậu sẽ thấy hình lưỡng long chầu nhật nguyệt vô cùng nổi bật. Trong chính điện, ban thờ cậu Quý bên phải, cậu Tài bên trái cùng tả ban, Hữu ban- sơn thần, thần tài và thổ địa.

Dinh Cậu sừng sững hiên ngang trước sóng to gió lớn, ghềnh đá thiên tạo như trái núi rất lạ mắt ba bề sóng vỗ. Xung quanh là bãi đá nhô nhô đỉnh núi được điểm tô bởi ngôi miếu mái ngói rêu phong. Dinh Cậu đã được Ủy ban nhân dân tỉnh Kiên Giang xếp hạng di tích lịch sử cấp tỉnh ,loại hình danh lam thắng cảnh vào năm 2012.

4. Văn hóa lễ hội vô cùng đặc sắc

Lễ hội Dinh Cậu hằng năm sẽ được diễn ra trong 2 ngày là 15, 16 tháng 10 âm lịch, nghi thức của lễ khá giống lễ Kỳ Yên nhưng thực chất là lễ cầu ngư. Đối tượng cúng tế quan trọng nhất là Bà và Cậu , đặc biệt trong lễ hội Dinh Cậu có thêm phần múa hát bóng rỗi rất đặc sắc.

5. Du lịch Mũi Dinh Cậu có gì đặc biệt?

Nếu một lần bạn nắm được cảnh hoàng hôn trên đảo Phú Quốc hướng về phía Dinh Cậu, thì chắc hẳn điều này sẽ ghi dấu ấn khắc khoải trong tâm trí của ít ai yêu cái đẹp cảnh tượng hoàng hôn. Dinh Cậu tại Phú Quốc huyền ảo lung linh, có sức hấp dẫn rất lớn đối với du khách, mỗi năm thu hút hơn 100.000 lượt du khách trong và ngoài nước đến tham quan, nghỉ ngơi ,tắm biển, ngắm nhìn trời nước mênh mông.

Suốt hơn 300 năm tồn tại, Dinh Cậu ẩn chứa nhiều câu chuyện huyền bí thú vị được ngư dân lưu truyền. Đến tận ngày nay Dinh Cậu cũng chính là biểu tượng của Phú Quốc, nơi cát - nắng - đá hòa trộn với nhau thành một khung cảnh hữu tình. Cả biển trời ngả dần sang màu vàng đậm, khoảnh khắc trước màn đêm buông xuống màu đỏ sẫm, sóng biển lóng lánh như hàng triệu viên hồng ngọc đầy hấp dẫn, địa điểm không thể nào bỏ qua khi đến Phú Quốc.

6. Những lưu ý cần nhớ khi tham quan Dinh Cậu Phú Quốc

Do đây là một địa điểm du lịch mang tính chất tâm linh, nên quý khách lưu ý chấp hành một số các quy định tham quan:

  • Không quay phim, chụp ảnh bên trong Dinh
  • Không xả rác bừa bãi ra khu vực chung

Hy vọng bài viết trên đã mang đến bạn những thông tin hữu ích về điểm đến Mũi Dinh Cậu. Chúc bạn sẽ có một hành trình tuyệt vời tại hòn đảo Phú Quốc xinh đẹp.

5 (100%) 1 votes
. Có 1 người đánh giá
0899909145