Về Làng Gốm Bàu Trúc Nghe Kể Về Chuyện Đời Của Gốm

Ngày đăng bài: 15/06/2023

Một trong những dấu ấn của nghề làm gốm thủ công được lưu lại trên mảnh đất Ninh Thuận cách đây từ rất lâu về trước, vẫn đang được lưu truyền cho đến tận ngày nay, trở thành điểm thu hút du khách bởi sự độc đáo khi đến với du lịch Ninh Thuận.

Là một trong những làng gốm cổ nhất Đông Nam Á còn tồn tại cho đến tận bây giờ, làng gốm Bàu Trúc nổi tiếng với những sản phẩm thủ công mang đậm bản sắc văn hóa Chăm, nằm giữa quốc lộ 1A, trung tâm thị trấn Phước Dân, huyện Ninh Phước. Cái tên Bàu Trúc theo tiếng Chăm gọi là Paley Hamu Trok, nghĩa là “làng trũng, nhô ra cuối triền sông”.

Theo dân gian truyền tụng, ông tổ nghề gốm Bàu Trúc là Po K’long Chank là một người bạn thân, đồng thời cũng là quan cận thần của vua Po K’long Giarai (1151-1205). Tương truyền, gần ngàn năm trước chính Po K’long Chank đã dạy người dân Bàu Trúc cách lấy đất, nặn rồi nung thành những vật gia dụng. Nghề làm gốm ở đây, trước kia chủ yếu do phụ nữ đảm nhiệm, đàn ông làm những việc nặng nhọc hơn là đào đất, nung gốm và gánh gốm hoặc chở đi bán. Phụ nữ Bàu Trúc lớn lên là đã được mẹ hướng dẫn làm gốm và cứ thế, đời nối đời “mẹ truyền con nối”, nghề gốm ở ngôi làng này cứ mãi lưu truyền đến ngày nay. Người dân nơi đây coi Po K’long Chank là tổ của nghề gốm và mình là là con cháu của Po. 

Khác với những thương hiệu gốm nổi tiếng khác như gốm Bát Tràng, Chu Đậu, Phước Tích…đều đã đem một số công nghệ vào sản xuất thì tại làng gốm Bàu Trúc, người thợ làm gốm vẫn duy trì cách làm gốm thủ công được truyền từ ông cha gần ngàn năm nay mà người ta vẫn hay gọi bằng cái tên dẫ dã “làm bằng tay, xoay bằng mông”. 

Khi đến tham quan làm gốm, du khách sẽ không khỏi ngạc nhiên và thắc mắc vì hầu như không có xưởng làm hay các cửa hàng trưng bày sản phẩm nào vì tại đây với hơn 400 hộ gia đình, hầu hết mỗi nhà đều là xưởng làm gốm riêng của làng. Bằng sự khéo léo và tỉ mỉ, chỉ vài vòng xoay thủ công những người thợ đã có thể nặng ra những chiếc lọ, sản phẩm tinh xảo.

Những người thợ ở đây cũng rất biết cách làm hài lòng khách du lịch, nếu bạn bày tỏ ý định muốn được tạo ra một sản phẩm theo ý và bằng chính đôi tay của mình thì họ cũng sẽ nhiệt tình hướng dẫn mà không hề yêu cầu trả phí. Du khách còn có thể chọn mua cho mình những món hàng ưng ý lấy ngay tại chỗ hoặc gửi địa chỉ giao vé tận nhà.

Những câu chuyện về những sản phẩm, lịch sử của gốm Bàu Trúc cũng thu hút du khách qua lời kể người dân địa phương - những con người đã gắn bó bao đời với gốm, với cái nghề nuôi sống bao thế hệ gia đình, nhưng không chỉ đơn giản là gốm mà còn là một tinh hoa văn hóa cần được gìn giữ của một dân tộc.  Nếu về đúng dịp lễ tết, du khách còn được chiêm ngưỡng các thiếu nữ Chăm uyển chuyển xòe quạt qua các điệu múa truyền thống rộn ràng trong tiếng trống Ghi Năng, tiếng kèn Saranai hay những bài dân ca Chăm: Thay Mai, Daoh Dam Dara… da diết, thưởng thức các món ẩm thực truyền thống từ thịt trâu, thịt dê, cừu, gà nấu bằng các loại rau lá đặc trưng của địa phương… hoặc các loại bánh truyền thống của người Chăm được làm từ bột nếp, trứng gà như, Ginraong lay hay món bánh sakaya ngày xưa dùng để tiến vua…

Về làng gốm Bàu Trúc nghe kể chuyện đời của gốm, từ những cục đất vô tri vô giác, qua những đôi bàn tay khéo léo đã trở thành những món đồ thủ công tinh xảo độc đáo và mang đậm bản chất văn hóa độc đáo Chăm, bởi đằng sau mỗi sản phẩm thủ công truyền thống còn là chuyện nghề, chuyện đời và cả sự trăn trở trong chặng đường phát triển, bảo tồn loại hình Di sản văn hoá phi vật thể nghề làm gốm Chăm vừa được UNESCO ghi danh.

Nguồn/Ảnh: Sưu tầm.

 

5 (100%) 1 votes
. Có 1 người đánh giá
0899909145