Văn Hóa Quê Nhà Trên Đất Phù Sa

Ngày đăng bài: 14/10/2022

Gió đưa gió đẩy về rẫy ăn còng
Về sông ăn cá về đồng ăn cua
Bắt cua làm mắm cho chua
Gởi về quê nội khỏi mua tốn tiền.

Vẫn đâu đó những điệu hò câu hát, những câu ca dao đậm chất người Tây Nam Bộ còn len lỏi trong tiềm thức của người con Việt Nam dọc theo mảnh đất phù sa, nơi có “rồng” ngự trị. Từng câu chữ mộc mạc thân thương phần nào đó đã nói lên được tính cách của người dân miền Tây, hiền lành chịu khó lại còn dễ thương. Cũng tại vùng đất phù sa đó, nơi được biết đến là vựa lúa lớn nhất Việt Nam cùng hệ thống sông ngòi dày đặc, đã tạo nên một nét văn hóa miền quê, một nét văn hóa đậm chất người Tây Nam Bộ, trong đó phải nhắc đến là văn hóa chợ nổi trên sông. Cùng VieTourist đưa du khách tìm hiểu đôi nét về văn hóa độc đáo này.

Để nói đến miền Tây Nam Bộ người ta thường nói “người dân miền Tây học bơi trước khi học nói”. Từ hệ thống sông ngòi lớn như vậy, dần dần đã hình thành nên văn hóa họp chợ trên sông để tiện cho việc di chuyển và trao đổi hơn đối với một miền sông nước. Hẳn du khách đã từng nghe qua nhiều cái tên chợ nổi nổi tiếng như: Chợ nổi Cái Răng, chợ nổi Cái Bè, chợ nổi Ngã bảy...tất cả cái tên nhắc đến đều được hình thành từ một câu chuyện riêng. Người ta quen gọi những người sống và buôn bán trên ghe, xuồng là những người thương hồ. Họ thường mở ghe họp chợ từ rất sớm, với nhiều loại trái cây, nông sản đều có đủ. Khi chợ đã vãng những người thương hồ cũng bắt đầu công việc khác của mình. Cuộc đời họ gắn liền với hình ảnh chiếc ghe như chính ngôi nhà của mình, đợi đủ khả năng cất được ngôi nhà trên đất liền, học sẽ nói lời tạm biệt với căn nhà tạm, với cuộc sống thương hồ.

Chợ đã nổi từ nửa đêm về sáng.

Ta vẫn chìm từ giữa bữa hoàng hôn

 Em treo bẹo Cái Răng Ba Láng

 Ta thương hồ Vàm Xáng Cần Thơ

Tất nhiên trước sự đông đúc và nhộn nhịp của chợ nổi, du khách sẽ khó biết được những gì được bán trên ghe. Như một câu trả lời, người miền Tây có một quy tắc khá thú vị đó chính là quy tắc treo Bẹo. Hiểu đơn giản, bẹo là một nhà cây được người dân treo ở đầu ghe, xuồng và treo trên đó những thứ họ bán. Treo bẹo có 4 quy tắc:

- Treo gì bán đó: những loại trái cây hay nông sản được treo cao giúp cho du khách có thể nhìn thấy từ xa để dễ dàng lựa chọn mặt hàng mình cần mua thì thật là tiện lợi.

- Treo mà không bán: đôi khi du khách trông thấy những bộ quần áo được treo lủng lẳng thì đừng lầm tưởng là ghe bán quần áo nhé, là quần áo sinh hoạt hằng ngày của họ đấy.

- Bán mà không treo: tất nhiên một tô bún riêu hay bún bò là rất khó để treo lên đúng không

- Treo cái này bán cái khác: đối với người thương hồ, học xem chiếc ghe như nhà của mình, kết hợp với truyền thống dùng lá dừa lợp mái nhà trên đất liền, thì khi người thương hồ muốn bán ghe, kết thúc ngày tháng thương hồ lênh đênh thì họ sẽ treo tàu lá dừa với ý nghĩa bán nhà trên sông để bắt đầu một cuộc sống khác.

Đối với người miền Tây không chỉ có 2 mùa nắng, mưa mà còn một mùa nữa cũng rất đặc biệt, đó là mùa nước nổi. Mùa nước nổi thường bắt đầu từ tháng 7 đến tháng 10 Âm lịch, đây cũng là lý do du khách bắt gặp hình ảnh nhà sàn xuất hiện nhiều nơi tại miền tây sông nước, nước về, cua cá cũng theo đó mà về. Một món ăn không thể thiếu trong bữa ăn mùa này chính là canh chua bông điên điển cá linh, một món ăn tạo nên hương vị truyền thống quê nhà của người dân nơi đây.

Cuộc sống tự do thoải mái cũng đã phần nào đó tạo nên tính cách người dân miền Tây Nam Bộ, hiền lành và phóng khoáng. Nếu có dịp hãy thử một lần về miền Tây để trải nghiệm những điều thú vị này nhé!

5 (100%) 1 votes
. Có 1 người đánh giá
Tags
0899909145