“Khi nào miền Tây không còn sông nước thì mới hết tháng ngày chợ nổi trên sông”
Cái văn hóa chợ nổi không biết từ bao giờ đã ăn sau vào nếp sống dân dã, chất phát của người con vùng Tây Nam Bộ. Kẻ mua người bán tấp nập từ tờ mờ chưa thấy ánh ban mai, những tiếng nước vỗ và tiếng máy ghe của những người thương hồ giống như thứ âm thanh “đặc sản” của chợ nổi trước lúc bình minh về. Không biết cái văn hóa đặc sắc này có được giữ gìn mãi hay không, hay cuộc sống hiện đại tấp nập ngày nay dần lấp hết cái tình của “nó”, của cái phiên chợ nuôi lớn bao tuổi thơ “lênh đênh”.
Du lịch miền Tây sông nước, “người ta” chỉ chờ nhất khoảnh khắc tờ mờ sáng được dẫn ra bến sông để trải nghiệm ngồi ghe, thuyền mua những thứ trái cây, nông sản “rẻ rề” xếp đầy trên những chiếc ghe kín cả mặt sông. Ở đó “người ta” không cần trả giá mà còn được cho thêm, mua 1kg chôm chôm mà cân tận 1kg2 vẫn chưa muốn dừng lại, bởi nhiều người mới nói, sao thương cái tánh hiếu khách của người miền Tây quá chừng. Về miền Tây thì không thiếu chợ nổi, mà nổi nhất vẫn là chợ Cái Răng, cái răng này từ đâu mà có, của ai hay của con gì? người ta vẫn hay hỏi vui như vậy.
Chợ nằm trên một nhánh sông Hậu chảy qua quận Cái Răng của thành phố Cần Thơ, khi cuộc sống gắn liền với địa hình sông nước dày đặc, sự thích nghi của con người lại ứng dụng, những chiếc ghe xuồng buôn bán đủ thứ từ lưa thưa vài chiếc rồi nhiều dần, đến lúc “nó” trở thành cái văn hóa không thể thiếu của miền Tây được đông đảo khách du lịch săn đón người ta cũng chưa hay.
Có người kể, tên cái răng xuất hiện từ thời khai hoang lập ấp, ở vùng có con cá sấu lớn cắm răng vào miếng đất mom sông nên người ta gọi vậy. Một cách giải thích khác thì ngày xưa, người Khmer ở vùng làm nhiều bếp nặn bằng đất đem đi bán khắp nơi khu vực Cần Thơ gọi là bếp Karan-Cà Ràng rồi từ từ đọc trại thành Cái Răng.
Tờ mờ từ 5 giờ sáng, các ghe xuồng đã “đua” nhau kéo về khắp các ngả sông để bắt đầu phiên chợ nổi, rộn ràng nhất là khoảng thời gian từ 8 giờ rồi thưa dần, trả lại sự yên tĩnh buồn xo. Chợ độc đáo thì cách bán cũng phải độc đáo, trên mỗi chiếc ghe, thuyền đều treo lủng lẳng những món đồ cần bán dọc một cây tre gọi là cây Bẹo, và tất nhiên bẹo cũng có quy tắc của nó: Treo mà không bán, bán mà không treo, treo cái gì bán cái đó, treo cái này bán cái kia, hình ảnh những cây Bẹo treo đầy những món hàng vắt ngang cạnh thuyền thân thương mà cũng buồn cười thấy lạ.
Những ngày cuối năm thì thuyền nào thuyền náy đua nhau khoe sắc, chở lớp lớp những hoa xuân để bán cho kịp độ tết về. Những ngày này thì chợ náo nhiệt và rộn ràng hơn hẳn, bởi đâu phải lúc nào cũng bán được chợ hoa.
Ai về miền tây cũng chờ để một lần đi chợ nổi, không chỉ bởi những món hàng ngon, rẻ mà còn bởi cái văn hóa này độc đáo, người bán cũng nhiệt tình hiếu khách dữ lắm, ở Sài Gòn hay ở nơi khác đâu có thấy được hình ảnh này, nhiều người còn tiếc hùi hụi chợ đến tầm 9h là tan, đi muộn hơn là chỉ còn vài ghe xuồng lưa thưa bán dừa tươi nước ngọt, nên mới nói bình minh trên chợ nổi Cái Răng có lẽ là bình minh đẹp nhất ở Cần Thơ rồi.
Ảnh: Sưu Tầm.