-
Hồ Tà Đùng :
Được mệnh danh là « vịnh Hạ Long » giữa đại ngàn Tây Nguyên. Tà Đùng là khu bảo tồn có diện tích 22.103 ha, thuộc xã Đắc P’lao và xã Đắk Som, huyện Đắk Glong tỉnh Đắc Nông, cách thị xã Gia Nghĩa khoảng 45 km. Hồ nước rộng lớn này sở hữu cảnh quan thiên nhiên độc đáo với hơn 40 cồn đảo lớn nhỏ nhấp nhô giữa mặt nước, mang vẻ đẹp nên thơ với nhiều điểm « sống ảo » chất lừ. Thời tiết tại đây mát mẻ, dễ chịu. Khi đến với Tà Đùng, bạn có thể dựng lều trại qua đêm tại đây để đón bình minh hoặc thuê homestay.
-
Biển Hồ :
Biển Hồ Pleiku hay còn được gọi là hồ T’nưng, là một hồ nước ngọt nằm ở phía tây bắc thành phố Pleiku, tỉnh Gia Lai. Biển Hồ được ví như viên ngọc bích giữa núi rừng Tây Nguyên nhờ nước hồ trong veo và cảnh quan thơ mộng xung quanh hồ. Với diện tích mặt nước khoảng 230 ha cùng chiều sâu trung bình lên đến 19m, Biển Hồ Pleiku đẹp vào mọi thời điểm trong ngày. Con đường dẫn lên Biển Hồ cũng được ví như bức tranh mang vẻ đẹp mơ màng nhờ hai hàng cây cổ thụ cao che rợp bóng ven đường.
-
Chùa Minh Thành :
Giữa núi rừng Tây Nguyên hùng vĩ, những đồi cà phê bạt ngàn và biển hồ thơ mộng, thì chùa Minh Thành là điểm đến tâm linh không thể bỏ qua khi bạn du lịch tới Pleiku. Chùa được xây dựng từ năm 1964 bởi Hòa thượng Thích Giác Đạo và trở thành nơi thờ cúng, dâng hương của phật tử trong vùng. Không giống như những ngôi chùa khác mang đặc trưng của phật giáo Tiểu thừa, chùa Minh Thành chịu ảnh hưởng nhiều từ kiến trúc Nhật Bản. Trong khuôn viên của chùa, bạn sẽ thấy Tượng Phật bà Quan Thế Âm bồ tát được đặt ở chính giữa cửa ra vào và được trang trí cây xanh, cột đá, tượng kỳ lân một cách đối xứng, hài hòa. Chánh điện uy nghiêm với mái vòm long phụng, trước chánh điện là tượng đá 18 vị la hán. Ngoài ra, chùa còn có Bảo tháp xá lợi với lối kiến trúc độc đáo của Nhật, con đường đẹp nhất trong chùa cũng là con đường dẫn vào bảo tháp. Hiện tại, chùa do đại đức Thích Tâm Mãn trụ trì, ông là người tu sĩ đầu tiên ở Việt Nam tốt nghiệp khoa cao học mỹ thuật học Phật giáo.
-
Ngã ba Đông Dương :
Ngã ba Đông Dương huyền thoại là điểm tiếp giáp giữa 3 nước Việt Nam - Lào - Campuchia. Ngã ba này đã nằm trong ký ức không thể nào quên của bao lớp bộ đội, thanh niên xung phong trong những năm tháng kháng chiến chống Mỹ và đến ngày nay vẫn thu hút bao khách du lịch bởi câu chuyện thú vị một con gà gáy cả 3 nước cùng nghe. Đường tới ngã ba Đông Dương không quá khó đi, vừa chạy xe du khách vừa ngắm nhìn núi đồi trùng điệp vô cùng đẹp mắt. Sau đó leo những bậc thang để chạm đến hình tượng thiêng liêng của vùng biên giới Tổ quốc. Cột mốc Việt Nam - Lào - Campuchia làm bằng đá hoa cương, đặt trên đỉnh núi cao 1.086 m so với mực nước biển. Cột mốc cao 2m hình trụ tam giác, nặng gần 900kg là một trong hai cột mốc biên giới ghi danh ba quốc gia. 3 mặt của cột mốc huyền thoại lần lượt quay về phần lãnh thổ của mỗi quốc gia với hình quốc huy trang trọng.
-
Cầu treo Kon Klor :
Cầu treo Kon Klor bắc ngang dòng sông Đắk Bla xây dựng vào năm 1993 và mất hơn 1 năm để hoàn thành. Với chiều dài 292m và rộng 4,5, cầu treo Kon Klor là cầu treo công nghiệp to đẹp nhất khu vực Tây Nguyên. Đến thăm cây cầu Kon Klor, bạn sẽ phải trầm trồ trước cây cầu được xây dựng hoàn toàn bằng sắt thép kiên cố bao quanh giữa giữa núi rừng Tây Nguyên hùng vĩ phủ nương dâu xanh rì với màu cam nổi bật. Buổi chiều lộng gió đứng ngắm nhìn khung cảnh bình yên của mảnh đất Tây Nguyên trên con cầu Kon Klor thì còn gì bằng ?
-
Nhà thờ Chánh tòa Kon Tum :
Còn được gọi là nhà thờ gỗ Kon Tum. Nhà thờ được làm hoàn toàn bằng gỗ cà chít, theo phong cách Roman kết hợp với kiến trúc nhà sàn của người Ba Na được xây dựng 1913 kéo dài đến năm 1918 mới hoàn tất. Nhà thờ gỗ Kon Tum nằm trong top 10 nhà thờ đẹp ở Việt Nam. Nhà thờ là một công trình khép kín gồm: giáo đường, nhà tiếp khách, nhà trưng bày các sản phẩm dân tộc và tôn giáo, nhà rông. Ngoài ra còn có cô nhi viện, cơ sở may, dệt thổ cẩm, cơ sở mộc. Dù đã trải qua bao biến thiên lịch sử, cho đến nay ngôi nhà thờ vẫn không hề bị hư hỏng mà vẫn vững chắc.
-
Đồi cỏ hồng Gia Lai :
Tại mảnh đất Tây Nguyên đầy nắng gió, cũng có một đồi cỏ hồng đẹp đến ngất ngây, đó chính là đồi cỏ hồng Gia Lai, tọa lạc tại xã Glar, huyện Đak Đoa. Nó còn được gọi bằng cái tên mỹ miều là “thung lũng cỏ hồng Glar”. Đồi cỏ hồng này rộng tới gần 500 ha, trên đường tới đây còn có rừng thông tuyệt đẹp cho bạn check-in nữa đó. Thời điểm ghé thăm đồi cỏ hồng Gia Lai đẹp nhất chắc chắn là vào cuối hạ, đầu đông, thời tiết nắng nhẹ nhưng se lạnh.
-
Núi lửa Chư Đăng Ya :
Núi chư Đăng Ya thuộc địa phận làng Ploi lagri, xã Chư Đăng Ya, huyện Chư Păh, núi cách trung tâm thành phố Pleiku Gia Lai khoảng 30km về hướng đông bắc. Đây là một trong những ngọn núi lửa đã từng hoạt động dữ dội ở vùng đất Tây Nguyên cách đây hàng triệu năm, miệng núi lửa có hình phễu khổng lồ, nằm ẩn mình giữa rừng xanh đại ngàn. Nơi đây vào cuối mùa thu là dịp hoa dã quỳ nở rộ, sắc vàng cả một vùng trời mang đến một vẻ đẹp hoang dại từ đỉnh núi trải dài xuống triền núi, triền đồi và dọc các lối đi. Còn khi đến mùa mưa, ngọn núi lửa Chư Đăng Ya được bao phủ bởi một màu xanh bạt ngàn của những thửa ruộng khoai lang và cây dong riềng.